Kiến trúc hậu hiện đại là gì?
Nếu như hiện nay xu hướng kiến trúc hiện đại đã quá quen thuộc và phổ biến thì nhiều kiến trúc sư bắt đầu tìm kiếm những thứ mới lạ hơn với mong muốn tạo nên những bước đi đầu tiên cho tương lai. Một trong những xu hướng kiến trúc mới gần đây được rất nhiều người hết sức quan tâm phải kể đến đó là kiến trúc hậu hiện đại. Vậy kiểu kiến trúc này có những đặc điểm mới lạ nào và có gì nổi bật so với kiến trúc hiện đại? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này ngay trong bài viết dưới đây.
Trường phái kiến trúc hậu hiện đại được coi như bước đi kế tục của trường phái hiện đại. Ngoài những đường thẳng và đường cắt dứt khoát theo lối hiện đại thì kiến trúc hậu hiện đại được bổ sung thêm những đường cong parabol và những đường tròn. Hiểu một cách đơn giản thì kiến trúc hậu hiện đại như một đứa con kết tinh từ trường phái hiện đại và cổ điển nhưng vẫn lấy đặc điểm của hiện đại làm yếu tố chính.
Kiến trúc hậu hiện đại đề cao không gian xung quanh và coi công trình như một phần nhỏ của tổng thể bối cảnh không gian chứ không như những công trình hiện đại được đặt ở bất cứ đâu mà không cần quan trọng yếu tố môi trường xung quanh. Ngoài ra những đường nét trang trí của công trình theo kiểu kiến trúc hậu hiện đại đòi hỏi phải mang tính tượng trưng giàu ý nghĩa đồng thời kết hợp với lối trang trí cổ điển chứ không đơn thuần chỉ là nhìn đẹp mắt nữa.
Có hai cách đơn giản để thực hiện thi công kiểu kiến trúc hậu hiện đại đó là : sao chép nguyên bản những chi tiết cổ điển hoặc kết hợp nhiều chi tiết cổ của nhiều công trình khác nhau. Chính vì đặc điểm này nên hệ thống kiến trúc cổ Hy Lạp – La Mã được vận dụng rất nhiều vào những công trình kiến trúc hậu hiện đại. Một ví dụ điển hình cho đặc điểm này đó là lối vào quảng trường Ý lại có đường nét và chi tiết trang trí giống với công trình Khải hoàn môn La Mã tuy nhiên đã được sáng tạo lại để trở nên hiện đại hơn.
Ngoài ra những kiến trúc sư còn vận dụng những chi tiết cổ nhưng lại sắp đặt với bố cục hay kết cấu mới lạ khiến khi mới nhìn vào tưởng là quen nhưng lại tạo cảm giác vô cùng lạ lẫm và mới mẻ. Không chỉ tái sử dụng những chi tiết cổ, người ta còn có thể tái hiện tính trật tự và bố cục của những công trình cổ vào kiểu kiến trúc hậu hiện đại bằng cách sử dụng một số những dạng hình học như chữ thập, khối lập phương…